Nếu lần đầu thuê xe ô tô tự lái, bạn nên “giắt lưng” những kinh nghiệm dưới đây để tránh bị hớ.
Mục Lục Nội Dung
1. Thuê xe ô tô tự lái để làm gì?
Trước tiên, bạn cần xác định mục đích thuê xe ô tô tự lái để lựa chọn loại dịch vụ phù hợp nhất, ví dụ như đi đâu, đi mấy ngày, đoạn đường xa hay gần, đi với ai…, từ đó mới quyết định chọn gói thuê theo ngày hay km.
2. Chọn dịch vụ thuê xe ô tô tự lái
Tiếp theo, bạn sẽ lựa chọn gói thuê theo ngày hoặc km, nếu chọn theo ngày mà hạn chế km thì bạn tính 1 km phải trả thêm bao nhiêu để tránh mất tiền oan.
Một lưu ý khi thuê xe là nên chọn dịch vụ gần nhà hoặc chỗ quen biết để dễ giải quyết các thủ tục. Trường hợp bạn muốn thuê xe nơi khác thì hãy tham khảo thật kỹ ý kiến của bạn bè, người thân cũng như mạng internet.
Dưới đây là những điều bạn cần nhớ trước khi thuê xe ô tô tự lái:
– Giá thuê và hình thức đặt cọc: Bạn hãy tìm hiểu giá thuê xe bao nhiêu 1 ngày (1 km), đặt cọc bao nhiêu tiền, có thể thế chấp bằng xe máy không, cần hộ khẩu không,…
– Xe công ty hay tư nhân: Dù hình thức nào thì cũng đều có hai mặt của nó, quan trọng là chất lượng và uy tín của họ. Tuy nhiên xe công ty chuyên cho thuê thì có sự đảm bảo cao hơn.
– Số lượng, loại xe: Khi nhìn vào công ty có nhiều xe, nhiều loại để khách hàng lựa chọn thì bạn sẽ yên tâm hơn về năng lực của họ.
– Dịch vụ hỗ trợ đi kèm: bao gồm giao xe tận nơi cho khách hàng, rửa xe miễn phí khi trả xe,…
3. Gọi và đặt xe ô tô tự lái sớm
Trong các dịp lễ Tết thì việc này rất cần thiết, vì vậy bạn hãy tìm hiểu trước những chỗ cho thuê xe uy tín, tham khảo giá rồi đặt vé ít nhất từ nửa tháng đến một tháng để tránh bị chặt chém vào giờ chót.
4. Trước và sau khi nhận xe ô tô tự lái
Trước khi nhận xe, bạn cần làm hợp đồng và đặt cọc để tránh kế hoạch ban đầu bị trì hoãn, đồng thời đảm bảo niềm tin cho nhà xe. Ngoài ra, bạn có thể thêm điều khoản phạt vào hợp đồng nếu nhà xe không giao đúng hạn, đúng loại, đời xe và biển số xe như thỏa thuận.
5. Mang theo giấy tờ cần thiết khi thuê xe ô tô tự lái
Thông thường, khi làm thủ tục thuê ô tô tự lái thì công ty sẽ yêu cầu bạn đưa ra những giấy tờ sau đây:
– Bản gốc bằng lái hạng B1 trở lên
– Bản gốc chứng minh nhân dân
– Bản gốc hộ khẩu hoặc KT3 tại Đà Nẵng
– Xe máy chính chủ với giá trị khoảng 20 triệu và cavet xe. Nếu không có thì bạn phải ký quỹ tiền mặt
6. Đọc kỹ hợp đồng
Bạn hãy nhớ, các trung tâm cho thuê xe hầu như chỉ nhận hợp đồng theo gói từ 7-10 ngày, nếu muốn thuê khoảng 2-3 ngày thì bạn buộc phải đăng ký sớm và trả mức phí cao hơn.
Bên cạnh đó, cả người thuê và công ty cho thuê xe đều phải đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký. Người thuê nhớ chú ý đến loại xe, đời xe, biển số, màu xe, chất lượng xe,… và giao đúng hẹn, bằng không bên dịch vụ cho thuê sẽ bỏ qua vấn đề này và đưa xe cũ, không đảm bảo an toàn.
Dưới đây là những điều khoản cần được làm rõ trong hợp đồng:
– Giá thuê ô tô tự lái tính theo ngày hay km.
– Trường hợp giá tính theo ngày thì mức phụ trội là bao nhiêu tiền cho mỗi km, hoặc quá giờ.
– Giao nhận xe bằng biên bản, chụp ảnh lại và tính theo vạch xăng thực tế.
– Khi xe gặp sự cố hoặc hư hỏng giữa đường thì giải quyết như thế nào, chi phí ra sao.
– Đặt cọc bằng tiền hay tài sản khác.
7. Kiểm tra giấy tờ xe và các bộ phận của xe ô tô tự lái
Bạn cần kiểm tra thật kỹ giấy tờ xe trước khi lăn bánh, vì nếu giấy tờ hết hạn mà bị công an thổi vì bạn sẽ đóng phạt từ 2-3 triệu đồng và giam xe 1 tháng.
Sau khi kiểm tra hết giấy tờ và thủ tục liên quan thì bạn tiến hành theo những bước sau:
+ Kiểm tra ngoại thất xe
Với những người chưa có kinh nghiệm lái ô tô thì cần kiểm tra thật kĩ vỏ xe xem có trầy xước hoặc bám bẩn không, nếu có thì phải báo ngay với dịch vụ cho thuê để không phải “tiền mất tật mang”.
Ngoài vỏ xe, bạn cũng nên xem xét các bộ phận như đèn xe, kính chiếu hậu, la-zăng và cả phụ tùng đi kèm gồm kích, đồ nghề, lốp dự phòng,…
+ Kiểm tra nội thất xe
Kế tiếp, bạn sẽ tiến vào khoang cabin để khởi động máy, sau đó kiểm tra bộ điều khiển trung tâm, hệ thống giải trí, còi xe… Khi phát hiện chúng không hoạt động hoặc có dấu hiệu hư hỏng thì bạn phải báo lại bên trung tâm thuê xe để xác nhận hợp đồng.
Nếu các bộ phận hoạt động bình thường thì bạn hãy tắt máy rồi khởi động lần nữa để kiểm tra độ ổn định của chúng.
Sau đó, bạn quan sát ghế ngồi, thảm lót chân, táp lô, tay nắm cửa, kính điện,… Cuối cùng, bạn sẽ kiểm tra cụm đồng hồ, số km đã đi, xăng… rồi yêu cầu bên trung tâm cho lái thử để xem hệ thống lái, giảm xóc, máy điều hòa hoạt động thế nào.
Muốn đảm bảo hơn nữa thì bạn sẽ xem lốp sơ cua có dùng được không, theo đó là cầu chì, kích xe, hộp đồ, bóng đèn,… Nếu không đủ những vật dụng đó thì bạn phải nói bên nhà xe thêm vào ngay rồi mới nhận xe.
8. Thỏa thuận số km phụ trội
Bạn cũng nên hỏi thật cụ thể về các điều khoản cũng như gói dịch vụ cho thuê, gồm thời gian thuê và giới hạn bao nhiêu km/ngày, giá tiền km phụ trội. Đồng thời bạn hãy làm biên bản xác nhận tình trạng xe trước khi nhận hàng từ công ty.
9. Tham khảo ý kiến người có kinh nghiệm
Khi bất ngờ có va chạm trên đường đi và phải đền bù thì bạn nên nhờ người có kinh nghiệm tư vấn, như vậy sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề dễ dàng hơn và không gặp phải tình trạng đôi co, đòi hỏi quá đáng.
10. Trả xe
Trái ngược với lúc nhận xe hơi tự lái, bên công ty cho thuê sẽ kiểm tra xe trước khi nhận lại tài sản. Nếu phát hiện hỏng hóc thì đối chiếu với ảnh chụp lúc đầu, xét theo tình trạng xe rồi tính phí.
Bài viết liên quan: